Chuyện về chiếc đĩa kỷ lục thế giới của gốm Chu Ðậu

Tin Tức

Tin Tức

Chuyện về chiếc đĩa kỷ lục thế giới của gốm Chu Ðậu

Ngày đăng : 04/12/2019 - 2:46 PM

Chiếc đĩa gốm Chu Ðậu 1.000 chữ "Long" viết bằng thư pháp vừa được vinh danh kỷ lục Guinness (Ghi-nét) thế giới. Ðây là sản phẩm được tạo ra từ những trăn trở, ước mơ và tình yêu, niềm tự hào là người con đất Việt của những nghệ nhân gốm Chu Ðậu và nhà thư pháp nổi tiếng Lê Thiên Lý.

 

Hơn 200 ngày tâm huyết

 

Chiếc đĩa gốm 1.000 chữ "Long" viết bằng thư pháp dưới men của Công ty CP Gốm Chu Ðậu thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro), một thành viên Tập đoàn BRG, được vinh danh kỷ lục Guinness thế giới là niềm tự hào không chỉ của gốm Chu Ðậu, mà còn của nghề gốm sứ Việt Nam. Ðây cũng là sự tôn vinh xứng đáng dành cho những người nghệ nhân và thợ gốm Chu Ðậu, những người yêu gốm như "hơi thở".

 

Ngược dòng thời gian trở về những tháng đầu năm 2010, ngay trước Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Công ty CP Gốm Chu Ðậu được thành phố Hà Nội lựa chọn gắn biển công trình chào mừng Ðại lễ. Ðây là niềm vinh dự mà cũng là nhiệm vụ lớn đối với lãnh đạo công ty, để sáng tạo ra một sản phẩm đặc biệt ý nghĩa nhân dịp này.

 

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần kiêm Phó Chủ tịch HÐQT Công ty CP Gốm Chu Ðậu cho biết: "Từ suy nghĩ Thăng Long - Hà Nội có nghĩa là "Rồng bay lên" và đĩa gốm hình tròn biểu tượng cho trời, các nghệ nhân gốm Chu Ðậu đã nảy ra ý tưởng làm một chiếc đĩa gốm kích thước lớn, vẽ 1.000 chữ "Long" tượng trưng cho 1.000 con rồng đang bay trên bầu trời".

 

Ý tưởng này được đưa ra khiến các nghệ nhân Chu Ðậu rất hứng khởi. Không khí ở xưởng gốm như một ngày hội. Nhưng để chế tác được chiếc đĩa gốm đường kính 1,2 m - kích thước đĩa lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó, bằng phương pháp hoàn toàn thủ công là một thách thức không hề nhỏ đối với bất kỳ người thợ nào.

 

Trong tất cả các khâu làm nên chiếc đĩa gốm kỷ lục này, khâu nào cũng quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ và bí quyết riêng. Ðầu tiên phải kể đến khâu làm khuôn và tạo xương gốm. Ðể làm một chiếc khuôn khổng lồ, những người thợ của gốm Chu Ðậu đã phải cùng nhau thử nghiệm nhiều lần mới ra được chiếc khuôn như ý.

 

Trong khi một nhóm những nghệ nhân khác trăn trở thử nghiệm ngày đêm cách pha trộn đất sét, cao lanh để tạo nên xương gốm đủ độ chắc, chịu được lửa nung ở lò quy mô lớn. Sau hàng chục mẻ lò trong suốt hơn bốn tháng, cuối cùng các nghệ nhân gốm Chu Ðậu đã có được công thức chuẩn để làm phần thô chiếc đĩa gốm lớn nhất Việt Nam. Tổng thời gian hoàn thành chiếc đĩa là gần bảy tháng.

 

 

 

 

Tôn vinh sự sáng tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt

 

Ðiều đặc biệt của chiếc đĩa gốm Chu Ðậu đạt kỷ lục thế giới chính là 1.000 chữ "Long" do nhà thư pháp nổi tiếng Lê Thiên Lý viết. Ông là người đã sáng tạo ra hai lối viết thư pháp mới: "nhân diện thư" và "vật điểu thư". Do vậy đĩa gốm Chu Ðậu viết 1.000 chữ "Long" là sự sáng tạo độc đáo và tài hoa độc nhất vô nhị của thư pháp Việt Nam đương đại. Kết hợp các thể thư pháp truyền thống với hai thể thư pháp mới, 1.000 chữ "Long" mỗi chữ mỗi vẻ, không chữ nào giống chữ nào tạo thành bức tranh liên hoàn kỳ thú.

 

Theo nhà thư pháp Lê Thiên Lý, trong gần hai tháng ông mới hoàn thành việc viết 1.000 chữ "Long" thư pháp trên chiếc đĩa khổng lồ. "Ðây là lần đầu tiên tôi viết thư pháp trên đĩa gốm Chu Ðậu - dòng gốm cổ có gần 600 năm lịch sử. Ðiều này thể hiện ý nghĩa rất lớn, tượng trưng cho trí tuệ và tài năng của người Việt Nam và là quà tặng ý nghĩa dành cho Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến", ông Lê Thiên Lý cho biết.

 

Cả nghìn chữ "Long" đã được phủ dưới lớp men tro trấu đặc trưng của gốm Chu Ðậu, dòng men đã được xác lập độc bản kỷ lục Việt Nam. Do vậy, chiếc đĩa đặc biệt này là đỉnh cao của tinh hoa văn hóa Việt Nam về cả nghệ thuật gốm và thư pháp. Ðây chính là sự khẳng định mạnh mẽ chủ quyền đất nước, bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

 

Chinh phục người tiêu dùng trong nước và ngoài nước

 

Cách đây 33 năm, tháng 4-1986, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Hưng (cũ) tiến hành khai quật di tích tại làng Chu Ðậu, xã Thái Tân và xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng (cũ), nay là tỉnh Hải Dương. Qua tám lần khai quật trên diện tích 70 nghìn m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều hiện vật gốm cổ, cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất. Qua đó, đã xác định Chu Ðậu từng là nơi sản xuất gốm cao cấp từ thế kỷ 14 đến 17. Theo các nhà khoa học, khi chiến tranh Trịnh - Mạc xảy ra, vùng Nam Sách, trong đó có làng gốm Chu Ðậu đã bị tàn phá.

 

Các nghệ nhân làng gốm đã phiêu bạt đến các vùng khác, lập nên các làng nghề gốm mới. Sau đó, vào năm 1993 và năm 1997, sản phẩm gốm Chu Ðậu được tìm thấy ở những con tàu bị đắm ở vùng biển Phi-li-pin và Cù Lao Chàm. Hơn 240 nghìn hiện vật được trục vớt, trong đó chủ yếu là gốm Chu Ðậu, cho thấy gốm Chu Ðậu không chỉ phát triển mạnh trong nước, mà đã được xuất khẩu đi nhiều nước thời bấy giờ.

 

Giới chuyên môn đánh giá cao gốm Chu Ðậu từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí... tất cả đều toát lên bản sắc, tinh hoa văn hóa Việt, rất đỗi gần gũi, nhưng cũng mang đậm giá trị truyền thống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt từ ngàn xưa. Những họa tiết, hoa văn trên gốm Chu Ðậu mang tính nghệ thuật cao, miêu tả khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, đàn cá bơi dưới nước, mái nhà tranh ven sông…

 

Phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Các sản phẩm được thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men mầu tam thái. Hiện nay, 46 bảo tàng trên thế giới đang trưng bày các hiện vật gốm Chu Ðậu.

Bài viết khác

Chuyện về chiếc đĩa kỷ lục thế giới của gốm Chu Ðậu

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0834 233 511
Gọi điện SMS Chỉ Đưòng